Tham dự có ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và gần 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có trên 57.000 doanh nghiệp, trong đó số DNNVV chiếm hơn 97%. Đây là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng do tác động tiêu cực từ thị trường, kinh tế - xã hội. Do vậy, nhằm hạn chế số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giúp DNNVV thích ứng với tình hình mới, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh, lớn mạnh về quy mô và cải thiện tuổi thọ bình quân thì bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần đẩy mạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ cho DNNVV trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận, nâng cao nhận thức và đẩy nhanh việc CĐS trong doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành mong muốn thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những lợi ích của việc CĐS, đồng thời xác định được doanh nghiệp mình đang ở giai đoạn nào của CĐS để có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh và giúp tiết kiệm chi phí vận hành doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các chuyên đề: Tổng quan về CĐS đối với doanh nghiệp; vai trò bộ phận công nghệ thông tin (IT) và nghiệp vụ trong triển khai CĐS trong doanh nghiệp; ứng dụng các giải pháp CĐS trong doanh nghiệp, CĐS trong sản xuất kinh doanh.
Tại hội thảo, đại diện đơn vị phát triển Dự án Liên kết DNNVV (LinkSME) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ DNNVV CĐS và các hỗ trợ khác của Dự án USAID LinkSME. Dự án hỗ trợ thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Dự án triển khai các gói hỗ trợ gồm: Gói bắt đầu CĐS - Start Digital cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, mới bắt đầu CĐS với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp CĐS đơn giản và phù hợp nhất để bắt đầu thực hiện quá trình CĐS. Gói tăng tốc CĐS - Grow Digital dành cho đối tượng doanh nghiệp đang tăng trưởng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc phát triển dựa trên việc ứng dụng các giải pháp CĐS. Gói CĐS hướng đến thị trường toàn cầu – Go Digital – Go Global cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thông qua các nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp làm chủ quy trình, công nghệ số, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Dự án cũng triển khai gói hỗ trợ xây dựng chiến lược và lộ trình CĐS đợt 2 năm 2022, doanh nghiệp đăng ký thông tin tại digital.business.gov.vn.
Các chuyên gia trình bày, chia sẻ thông tin tại hội thảo
Tham gia chia sẻ về các giải pháp hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp, đại diện VNPT Bình Dương đã giới thiệu Nền tảng CĐS toàn diện dành cho DNNVV với tên gọi OneSME. Trước nhu cầu CĐS cấp thiết từ các DNNVV, OneSME hướng đến mục tiêu kết nối và phát huy sức mạnh cộng đồng cùng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ CĐS cho các DNNVV tại Việt Nam. OneSME có nhiều sản phẩm, dịch vụ số thiết thực với doanh nghiệp phục vụ CĐS. Các dịch vụ được sắp xếp theo từng nhóm lĩnh vực như viễn thông, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp, giao dịch điện tử, các giải pháp chuyên ngành cho Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, dược phẩm, Logistic, bán lẻ, quản lý khách sạn…